Địa chỉ: Ấp Cầu Mới, Xã Sông Xoài, Thị Xã Phú Mỹ, Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Việt Nam.

QUẢN LÝ TIỀN - HÀNG TỒN KHO - 27/09/2021

Tin Tức

Tin Tức

QUẢN LÝ TIỀN - HÀNG TỒN KHO - 27/09/2021

Ngày đăng : 27/09/2021 - 7:52 AM

   Một cửa hàng kinh doanh thông thường nói chung và kinh doanh tôn thép nói riêng sẽ phải kiểm soát những tiêu chí sau đây để kiểm soát tài sản tránh thất thoát và hoạt động kinh doanh hiệu quả: Tiền, Hàng Tồn Kho, Công Nợ, Tài sản máy móc thiết bị và Hiệu quả làm việc của nhân viên.

 

   Hôm nay Trung sẽ cùng anh chị đi sâu vào tiêu chí Tiền và Hàng Tồn Kho. Bài viết về hiệu quả nhân viên Trung đã đưa lên bài viết trước còn Tài Sản và Công nợ Trung sẽ gửi đến anh chị sau bài viết này.

   Lý do của bài viết

   Trong những chuyến đi thăm khách hàng dịp cuối năm, Trung đã học được rất nhiều kinh nghiệm về việc bán hàng và đối nhân xử thế từ những anh chị khách hàng của mình. Thông qua kinh nghiệm học được này Trung đã ứng dụng vào công việc kinh doanh của mình tại Công ty Hoàng Ân và đã có những tiến bộ nhất định trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên một số anh chị tâm sự với Trung về tình hình quản lý hàng tôn kho không được tốt và thất thoát nhiều hàng hóa. Trung xin kể lại hai buổi nói chuyện và quan sát của mình khi được đến thăm khách hàng liên quan đến vấn đề quản lý hàng tồn kho dưới đây. Câu chuyện sẽ khá tỷ mỹ và có nhiều tình tiết mô tả về khung cảnh tuy nhiên nó sẽ giúp anh chị hình dung được vấn đề một cách rõ nét hơn khi đi vào phần phân tích.

   Trong chuyến đi thăm khách hàng năm 2020 Trung đi từ Phú Mỹ lúc 8h sáng, hôm đó còn cách tết nguyên đáng khoản 25 ngày thời điểm đó thì không thể nào thăm hết khách hàng kịp nhưng vì công việc cuối năm giao hàng nhiều không thể đi sớm hơn được. Cũng vì thế mà khi gần đến nơi Trung vội ghé vào một tiệm hớt tóc ven đường để chỉnh chu lại diện mạo sẵn tiện chờ để 13h30 đến gặp người khách đầu tiên cho tránh giờ nghỉ trưa. Khi đến nơi anh Dũng đón Trung vào phòng khách, Nhà anh Dũng nằm trong kho hàng, ngôi nhà rộng chừng 300m2 có cửa sổ nhìn ra kho hàng và lối đi của xe tải. Anh là một người kinh doanh nhiều kinh nghiệm và đa dạng mặt hàng. Sau một hồi hỏi thăm sức khỏe thì anh bảo Trung chờ một chút anh kiểm hàng cho xe đi. Anh đứng với người qua chiếc bàn đặt bên cửa sổ và nhìn xe ba gác đang chở vài cuộn lưới B40 và một ít ống nhựa tưới cây, sau đó anh đối chiếu với phiếu và đưa phiếu cho bác tài đi giao hàng cũng qua cái cửa sổ đó, có lẽ vì đang tiếp chuyện với Trung nên anh không ra ngoài kiểm tra số lượng hàng mà đứng bên cửa sổ nhìn ra hoặc cũng có thể ngày thường anh cũng làm thế. Rồi anh quay trở vào và cuộc nói chuyện tiếp diễn khoản 10 phút lúc này chiếc xe tải của anh đã bốc hàng xong. Tài xế gọi anh ra xem hàng. Anh Dũng lấy một vài tờ phiếu trên bàn rồi trực tiếp ra kho nhìn vào đuôi xe tải. Trung cũng đi theo sau. Trên xe khá nhiều loại hàng, một số chất phía trước đã bị che khất bởi các cuộn lưới B40. Anh hỏi tài xế lên mấy cuộn 1.6m và mấy cuộn 1.8m rồi đếm đếm mấy cây sắt. Sau đó xe lăn bánh. Hai anh em đi đến một quán quen của anh để làm vài lon bia vì cả năm mới gặp. Sau vài lời hỏi thăm Trung hỏi anh. Em thấy anh kiểm hàng hơi sơ sài, anh Dũng nói tài xế làm cho anh cũng lâu, anh cũng tin tưởng tài xế với lại nhiều hàng quá có kiểm cũng không hết. Sau đó anh thú thật với Trung rằng anh cũng rất muốn kiểm soát hàng tồn kho, tiền là do anh thu và theo dõi nên không sợ thất thoát còn hàng thì thật sự anh không quản lý được chỉ nhắm nhắm còn nhiêu đó. Anh cũng từng hỏi một số bên phần mềm nhưng mà cũng chưa triển khai. Trung cũng trao đổi với anh một số cách nhưng mà thời gian có hạn. Sau đó hai anh em chia tay và Trung lên đường với một suy nghĩ sau chuyến đi này mình phải nghĩ ra cách gì đó hướng dẫn anh chị quản lý hàng tồn kho và tiền bạc chứ như thế này thì không ổn.

   Chuyến đi tiếp tục và đến được Đắk Nông do trời tối nên Trung nghỉ tại nhà Nghỉ cách cửa hàng kế tiếp chừng 100m. Đây là cửa hàng của anh Hải một người khá dễ mến và vui vẻ cũng đã kinh doanh thép được hơn mười năm. 7h sáng Trung đi bộ sang cửa hàng và được vợ anh Hải pha cà phê cho hai anh em. Cửa hàng anh Hải đã mở rộng thêm một gian so với năm 2019 nhưng hàng hóa cũng còn khá chật và không được sắp xếp ngăn nắp. Do mới trải qua dịch Covid 19 nên gần tết khách khá thưa thớt không như mọi năm, hai anh em ngồi nói chuyện được lâu hơn. Với nỗi niềm về vấn đề quản lý tiền và hàng tồn kho mang trong suy nghĩ từ Bình Phước ngày hôm qua. Trung đem ra nói với anh làm câu chuyện xả giao và cũng với mục đích thu thập thêm thông tin để về viết sách (trong đầu Trung lúc đó suy nghĩ như thế, thật là một ý tưởng ngây thơ và không tự lượng sức mình) ở mô hình của anh Hải khác với anh Dũng ở chỗ nhân viên bán hàng của anh là người ghi phiếu và vị trí của anh Hải ngồi là bên lối xe ra vào không có gì ngăn anh với kho do đó cũng dễ kiểm tra hàng hóa xuất kho hơn. Trong lúc nói chuyện xe hàng của anh Hải cũng xoạn xong anh cầm tờ phiếu bán hàng ghi và nhìn sơ rồi đưa cho tài xế đi giao hàng. Thậm chí anh còn không xem kỹ hàng rồi cứ thế xe đi. Anh thú thật anh chả biết kho còn món gì chỉ biết thiếu hàng là nhập thêm, có đếm nhưng chỉ cho có chứ bình thường khách đông thời gian tiếp khách còn không có lấy đâu mà kiểm. Anh còn nêu ví dụ “mới nhập một bó sắt hộp 50cmx100cmx1.8cm chuyến vừa rồi về giao đúng 10 cây mà hàng này tao chắc chắn chưa bán cho ai. Hôm qua có người hỏi ra kiếm chả thấy đâu bực hết cả mình”. Nhìn qua bàn làm việc của bán hàng Trung nhận ra là hóa đơn bán lẻ mua ở nhà sách, loại hóa đơn bán lẻ có hai liên và không có số thứ tự. Khi bán hàng xong nếu đơn hàng thu đủ tiền thì bán hàng xé và ghim vào ghim như chúng ta thường thấy các nhân viên bán cafe ghim phiếu ở bàn thu ngân. Khi khách hàng mua nợ thì phiếu sẽ được xé và kẹp vào sổ công nợ khách hàng. Khi khách hàng đến trả tiền bán hàng sẽ ghi thu đủ tiền vào liên 2 của khách hàng mang tới đồng thời ghi vào liên 1 đang lưu trong sổ công nợ và khi thu trọn tiền của phiếu thì xem như kết thúc và không quan tâm đến nữa. Chuyến thăm kết thúc sau khi dùng bửa trưa và Trung lên đường đi Nha Trang.

   Nói tới đây chắc một số anh chị sẽ cảm thấy hình ảnh này sao mà quen quá. Nhìn thì có vẻ như bình thường nhưng trong quy trình bán hàng và xuất hàng của hai nhà máy tôn trên ẩn chứa rất nhiều rủi ro thất thoát hàng hóa và tiền bạc. Ngay cả khi loại bỏ khả năng không trung thực của người giao hàng và nhân viên kho thì việc kiểm tra hàng hóa xuất nhập kho không kỹ lưỡng sẽ dẫn đến nhân viên kho ỷ lại và làm việc thiếu trách nhiệm dẫn đến thường xuyên sai sót. Nhưng nếu kiểm tra kỹ quá thì lại không có thời gian. Dưới đây Trung xin chia sẽ một số biện pháp mà Trung học được và hiện tại cũng đang áp dụng tại công ty Hoàng Ân để anh chị tham khảo.

   Lưu ý thêm là nhà máy tôn của anh Dũng và anh Hải được nhắc đến ở trên mang tính chất là hộ kinh doanh cá thể nên không có bộ phận kế toán như một số nhà máy tôn khác.

   Nguyên tắc đối chiếu và để lại dấu vết.

   Đối với bất cứ vấn đề gì cũng phải dựa trên nguyên tắc đối chiếu. Chúng ta muốn biết mình đẹp hay xấu thì phải soi gương, hình ảnh trong gương giúp chúng ta đối chiếu với bản thân. Quản lý hàng tồn kho và tiền cũng vậy chúng ta phải có cái gì đó để đối chiếu mới biết được có bị thất thoát hay không và có sai sót hay không. Nguyên tắc thứ hai là để lại dấu vết, khi sai sót chúng ta phải có dấu vết để xem lại hay giúp gợi nhớ lại vấn đề từ đó tìm ra nguyên nhân.

   Quản lý thu chi

   Tại sao Trung lại đưa tiêu chí tiền và hàng hóa ra nói chung vì chúng ta bán hàng sẽ thu tiền nên chúng ít nhiều sẽ có phần chung với nhau.

   Đầu tiên chúng ta đi vào phần cần phải kiểm soát hơn là tiền vì ông bà ta có câu “đồng tiền đi liền khúc ruột”.

   Để kiểm soát được tiền anh chị phải trang bị cho mình sổ quỹ tiền mặt (đối chiếu) và phiếu bán hàng ba liên loại có in số thứ tự như hóa đơn đỏ (dấu vết), sổ ghi nợ khách hàng (dấu vết).

   Quy trình bán hàng của anh Dũng đơn giản hơn anh Hải do đó Trung sẽ phân tích quy trình của anh Hải để chỉ ra lý do cần thiết phải có đủ cá món nói trên khi quản lý tiền.

Khi khách hàng đến mua hàng bán hàng của anh Hải sẽ dùng phiếu bán hàng 2 liên mua ở nhà sách loại mà không có in số thứ tự mà để trống để điền vào. Mỗi khi bán bạn bán hàng sẽ dùng phiếu này ghi đơn hàng, bao gồm tiêu chí tên hàng, số lượng, giá bán và thành tiền sau đó là tổng tiền, tính toán bằng máy tính tay và giao cho khách một bản, Một bản sẽ ghim vào ghim nếu thu tiền mặt còn nếu công nợ thì sẽ xé để kẹp Vào sổ công nợ khi khách trả đủ tiền thì sẽ ghi thu đủ tiền vài liên của khách hàng và liên kẹp trong sổ công nợ coi như không còn quan tâm. Cuối ngày vợ anh Hải sẽ cộng tiền trong các phiếu và so với tổng tiền sau đó sẽ cất tiền. Kết thúc một ngày bình thường như bao năm qua anh Hải vẫn làm.

   Nếu phân tích cái chưa được trước sẽ gây khó hình dung cho anh chị do đó Trung sẽ đưa ra quy trình mà theo Trung là tương đối phù hợp với môi trường kinh doanh và quy mô kinh doanh của một nhà máy tôn cần phải có.

   Đầu tiên là ban hành bảng giá chuẩn trong đó quy định mức tối đa và tối thiểu để khi anh chị đi vắng nhân viên hoặc ai đó có thể làm thay.

  Bước 1 tiếp nhận đơn hàng: bán hàng ghi nhận đơn hàng theo khách yêu cầu tốt nhất có ghi âm cuộc gọi hoặc gửi hình ảnh qua zalo để đối chiếu đơn hàng cho thật chuẩn tránh lộn hàng khi đi giao dẫn đến tốn chi phí giao đi giao lại nhiều khi lại trễ hàng và khách hàng đánh giá không tốt về dịch vụ của chúng ta (vd khách đặt 25mmx25mm nhưng ghi nhầm thành 25mmx50mm, lâu lâu việc này cũng vẫn xảy ra tại Hoàng Ân và thật là mất công khi giao đi giao lại)

  Bước 2 làm đơn hàng: nếu dùng phần mềm thì quá tốt nhưng trong trường hợp anh chị viết tay bắt buộc phải dùng phiếu bán hàng có 3 liên và quy định thống nhất không được sử dụng bất cứ mẫu nào khác. Trên bàn bán hàng nên ghi nội dung nếu bán hàng không giao liên 3 theo mẫu thì khách hàng báo cho đường dây nóng (số của chủ, ở chỗ này có thể kèm theo phần quà nhỏ để kích thích khách báo sai phạm). Ở bước làm đơn hàng này anh chị có thể quy định tiền trách nhiệm trong tiền lương của bán hàng để bán hàng ghi phiếu cẩn thận và cộng tiền thật chuẩn hạn chế tốt đa sai sót. Anh chị có thể quy định nếu trong một tháng không sai sót về việc tính toán trên phiếu bán hàng sẽ nhận được 1.000.000đ tiền trách nhiệm, nếu sai sót một lỗi sẽ bị trừ 500.000đ nếu số tiền bị trừ vượt quá 1.000.000đ thì sẽ trừ dần vào các tháng tiếp theo.

   Tại sao phải dùng phiếu 3 liên: liên 1 lưu trong cuốn, liên 2 kẹp vào sổ công nợ để theo dõi, liên 3 giao khách hàng.

   Cách ghi: dù đơn hàng ít hay nhiều đều ghi bằng phiếu này, yêu cầu giao 100% phiếu cho khách, nếu ghi sai thì gạch chéo giữ lại trong cuốn hoặc nếu xé ra mới phát hiện sai thì kẹp lại trong cuốn. Tuyệt đối không xé bỏ. Mục đích là tránh việc bán hàng xé mất và lấy luôn tiền của phiếu đó để bỏ túi. Hoặc bán hàng bán cho khách giá cao nhưng xé bỏ phiếu sau đó ghi lại giá thấp báo cáo cho chủ hoặc dùng một mẫu giấy khác ghi đơn hàng cho khách rồi lấy tiền không báo cáo về công ty. Hoặc bán hàng báo giá miệng cho khách rồi thu tiền đối với một số món hàng nhỏ rồi lấy mất luôn khoản tiền đó, hoặc có đôi khi bán hàng bán nhiều đơn hàng không ghi phiếu rồi cuối ngày đếm lại tiền quỹ thấy dư rồi cất đi luôn cũng hay xảy ra.

   Ở đây trong trường hợp của anh Hải phiếu có 2 liên sẽ không thể lưu trong quyển 100% nên sẽ dẫn đến bán hàng giấu mất 1 đơn hàng hoặc ghi giá cao thu tiền khách rồi ghi một phiếu giá thấp nộp lại công ty mà anh Hải sẽ có cách nào để đối chiếu.

   Phiếu bán hàng 3 liên cũng có thể in bằng máy in kim trong trường hợp một số nhà máy tôn làm bằng file excel. Còn nếu phần mềm bán hàng chuyên dụng thì hạn chế quyền sửa của bán hàng để tránh sửa phiếu, xóa phiếu.

   Sổ quỹ hay là sổ thu chi. Sau khi bán hàng nhân viên sẽ ghi số tiền thu vào sổ thu chi cuối ngày cộng số tổng và đếm lại tiền thu mỗi ngày đối chiếu khớp với sổ quỹ. Việc ghi sổ thu chi có thể ghi ngay tại thời điểm thu tiền thì tốt nếu không thì có thời gian trống sau khi bán hàng xong sẽ ghi (không nên để quá 1 tiếng mới ghi hoặc gom lại cuối buổi ghi sẽ dẫn đến sai sót). Anh chị nên trang bị một máy đếm tiền (giá thị trường tầm 3.000.000đ đến 10.000.000đ. Loại 3.000.000đ cũng vẫn xài tốt. Cuối ngày khoản 30p trước khi hết giờ bán hàng phân ra tiền theo mệnh giá và đếm bằng máy, sau đó lập bảng kê theo dạng bảng kê rồi anh chị đếm lại một lần nữa khi hết giờ làm việc. Như vậy anh chị sẽ có sổ quỹ để đối chiếu xem tổng thu ngày hôm đó ra sao, đối chiếu với liên 1 của quyển hóa đơn bán hàng lưu trong quyển để xem bán hàng có ghi thiếu phiếu nào hay không và đối chiếu với sổ công nợ của khách xem khớp không. Khi thực hiện như thế này anh chị sẽ có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho gia đình thay vì phải loay hoay xếp tiền lại rồi đếm tới đếm lui cho đúng. Chúng ta hãy để nhân viên làm việc này rồi kiểm tra lại vừa tiết kiệm thời gian vừa có cái để đối chiếu kiểm tra.

   Khi có sổ thu chi anh chị sẽ không phải đau đầu khi nhớ có thu khoản gì đó mà sao nay tiền ít vậy. Trung nghĩ nhiều anh chị sẽ thường xuyên đau đầu kiểu này.

Sổ theo dõi công nợ của từng khách hàng cũng rất cần thiết để anh chị đối chiếu với sổ quỹ thu chi. Sổ công nợ nên có khách hàng ký xác nhận nợ hàng tháng hoặc mỗi lần có thay đổi. Nếu bán hàng qua điện thoại thì có thể đối chiếu mỗi khi khách hàng mang tiền mặt đến hoặc nhân viên đến nhà thu khách hàng. Có nhiều trường hợp mà trung từng chứng kiến nhất là trong trường hợp có chi nhánh hoặc khách hàng lâu không liên lạc. Nhân viên bán hàng thu tiền nhưng không cập nhật công nợ cho khách, đến khi nhân viên nghỉ việc thì nhân viên mới gọi điện thoại thu nợ lúc đó phát hiện ra khách đã trả tiền từ lâu.

   Nếu theo nguyên lý của kế toán thì người thu tiền và người giữ tiền là hai cá nhân. Nếu anh chị đủ chi phí để thuê người thì có thể làm vậy. Tuy tối thiểu anh chị phải thực hiện ba việc trên để đảm bảo thất thoát tối thiểu nhất.

   Quản lý hàng tồn kho

   Đối với quản lý hàng tồn kho anh chị phải đảm bảo quy trình và thủ tục giấy tờ như sau: phiếu bán hàng 3 liên, sổ nhập xuất tồn ghi tay nếu không làm việc bằng máy tính (mỗi trang là một mặt hàng, cuối tháng sẽ chốt sổ kiểm kho chuyển sang sổ mới). Sử dụng excel theo dõi nhập xuất tồn hoặc tối ưu nhất anh chị có thể dùng phần mềm bán hàng hoặc quản lý hàng tồn kho chuyên nghiệp. Trong trường hợp của Trung thì Trung đang dùng file excel tự thiết kế theo mô hình bán hàng của Hoàng Ân.

   Việc ghi phiếu bán hàng 3 liên sẽ tránh được trường hợp bán hàng giấu mất phiếu dẫn đến mất hàng (mất tiền). Hoặc sửa phiếu ghi lại phiếu ít hàng hơn so với thực tế bán cho khách dẫn đến mất hàng (mất tiền).

   Việc sử dụng sổ nhập xuất tồn sẽ giúp chúng ta có số liệu hàng tồn kho cuối tháng. Mỗi tháng nên kiểm tra tồn kho một lần. Chọn mẫu và kiểm tra một vài mặt hàng chính yếu sẽ giúp anh chị đánh giá được mức độ thất thoát tồn kho từ đó đánh giá được tính trung thực của nhân viên kho. Sổ nhập xuất tồn nên được ghi bởi bán hàng và nhân viên kho để cuối tháng đối chiếu. (Thường nhân viên kho của anh chị sẽ ghi không chuẩn do giới hạn về học vấn và ý thức. Tuy nhiên nếu chỉ có bán hàng ghi thì sẽ dẫn đến rủi ro ghi khống số liệu, hợp thức hóa số liệu từ đó anh chị sẽ không biết được nguyên nhân thất thoát đến từ kho hay bán hàng.)

   Ở đây Trung không đưa ra lợi ích tuy tìm được hàng tồn kho đã mất hoặc đảm bảo không thất thoát hàng tồn kho vì anh chị không có thời gian để xem xét và đối chiếu số liệu của cả tháng như một công ty được tổ chức bài bản. Cái mà anh chị có thể biết được ở đây là mức độ trung thực của nhân viên kho mà anh chị đang sử dụng và sự trung thực có ở trong mức độ cho phép hay không.

   Kiểm hàng kèm theo chế độ thưởng phạt: Việc kiểm hàng sẽ giúp anh chị hạn chế thất thoát hàng tồn kho và việc kiểm hàng phải được thực hiện kỹ lưỡng ít nhất vài lần trong ngày chứ không nhất thiết phải kiểm kỹ 100% hàng xuất kho vì anh chị không có nhiều thời gian để thực hiện việc đó mà nếu có giao cho thủ kho kiểm hàng rồi thì anh chị cũng nên kiểm đột xuất ít nhất 1 xe hàng 1 ngày nếu có thể. Việc kiểm kho nói trên nếu kèm theo chế độ thưởng phạt trách nhiệm sẽ mang lại hiệu quả tương đối cao so với việc anh chị chỉ kiểm hàng đơn thuần.

   Cách thực hiện chế độ thưởng phạt trách nhiệm như sau: kiểm tra đột xuất mỗi ngày một lần hoặc vài lần một cách kỹ càng. Quy định nếu trong một tháng không phát hiện sai sót từ nhân viên kho hoặc thủ kho sẽ thưởng 1.000.000đ/tháng. Tuy nhiên nếu phát hiện sai sót sẽ trừ lương gấp 5 lần giá trị hàng sai sót. (Anh chị sẽ không phải tốn thêm chi phí vd như thay vì anh chị muốn chi lương ở mức 8.000.000đ thì khi anh chị tuyển dụng hãy thông báo với nhân viên tiền lương sẽ là 7.000.000đ kèm 1.000.000đ tiền trách nhiệm và nói rõ nội quy cho nhân viên ngay từ đầu.

  Trường hợp phát hiện nhân viên không trung thực và cố tình không trung thực thì nên cho nghỉ việc ngay để tránh ảnh hưởng đến các nhân viên khác. Ở đây Trung không phải gợi ý anh chị nên vô tình mà đối với một tổ chức để tổ chức đi lên cần những nhân viên có trách nhiệm và trung thực. Một khi nhân viên đã không trung thực nếu để lại người này trong tổ chức không bao lâu cả công ty đều sẽ toàn những cá nhân không trung thực lúc đó anh chị khó lòng mà thay đổi toàn bộ nhân sự. Ông bà ta có câu “con sâu làm rầu nồi canh” và câu này rất đúng trong việc quản lý nhân sự của một công ty hoặc tổ chức.

   Đối với nhân viên mà chúng ta nghĩ rằng vì lý do gì đó mà họ lỡ dại hoặc do chính chúng ta hớ hênh dẫn đến họ bị lung lay lòng tham chứ bản chất họ không phải là người không trung thực. Chúng ta có thể cho họ cơ hội bằng cách không chỉ thẳng lỗi sai mà kể hàm ý một câu chuyện ẩn dụ. Nếu nhân viên này biết hối lỗi họ sẽ tự nhận ra ý định đằng sau câu chuyện của anh chị và sửa đổi. Nếu không sửa đổi thì anh chị phải nghiêm khắc thực hiện việc cho thôi việc. Tại sao anh chị không nên chỉ trích thẳng sự không trung thực vì tâm lý con người luôn muốn được tôn trọng và trong tâm lý của nhân viên luôn ít nhiều đứng về phía khác so với chúng ta. Nếu chúng ta nói thẳng sẽ dẫn đến tư tưởng chống đối hoặc tiêu cực. Dẫn đến mất tinh thần hoặc trở nên chống đối âm thầm khéo léo hơn. Lúc đó chúng ta cuối cùng cũng mất đi nhân viên mà mình muốn giữ. Ở điểm này dù viết như thế này nhưng Trung cũng đã sai lầm rất nhiều lần và làm mất một số nhân viên vì lý do không đáng có. Nhưng dù sao thì chúng ta vẫn phải tiến về phía trước và nhận ra được cái sai sót của mình vẫn hơn là làm sai mà cứ tưởng là đúng.

  Đây là ý kiến của Trung trong vấn đề quản lý tiền và hàng tồn kho. Anh chị có thể tham khảo. Nếu anh chị có ý tường nào có thể chia sẽ thêm anh chị có thể góp ý cho Trung qua Zalo số điện thoại 0899315688, rất vui được làm quen và học hỏi thêm từ quý anh chị. Hy vọng với chia sẻ trên anh chị có thể áp dụng được một phần cho công việc của mình. Chúc anh chị có thật nhiều sức khỏe và niềm vui trong cuộc sống. Hẹn gặp lại anh chị ở bài viết tiếp theo về ba khoản mục còn lại.

Bài viết khác
  Thư Cám Ơn Khách Hàng  (11.11.2020)

QUẢN LÝ TIỀN - HÀNG TỒN KHO - 27/09/2021